Agri Net Zero Expo 2024

Thông báo sau

Thông báo sau

Thị Trường Cơ Khí Nông Nghiệp Việt Nam Hấp Dẫn Nhưng Đang Thuộc Về Ai?

Chia sẻ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Theo các chuyên gia kinh tế, do sản phẩm cơ giới phục vụ nông nghiệp được sản xuất, lắp ráp trong nước rất thấp, trong khi sản phẩm nhập khẩu giá rất cao, đây là nguyên nhân chính khiến cho mức trang bị cơ giới trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Ảnh HX
Máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Ảnh HX

Thua ngay trên sân nhà

Theo PGS.TS. Nguyễn Huy Bích, Ủy viên Ban Thường vụ, Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam, thị trường máy phục vụ nông nghiệp nội địa bao gồm cả chế tạo và lắp ráp chỉ chiếm trên 20% thị phần.

Hiện chỉ có vài đơn vị trong nước chế tạo được máy kéo như VEAM (máy kéo dưới 30HP); THACO đã sản xuất thành công máy kéo công suất đến 50HP; và Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy Nông nghiệp Miền Nam với máy kéo hai bánh và động cơ diesel đến 36-38 HP.

Phần lớn các loại máy móc phục vụ nông nghiệp hiện nay vẫn là máy nhập khẩu là chính. Các thương hiệu máy nông nghiệp nước ngoài đang chiếm ưu thế tại thị trường Việt Nam là Yamar, Kubota, John Deere, Daedoong, Belarut và các loại máy kéo của Trung Quốc.

“Số liệu thống kê cho thấy hàng năm, lượng máy kéo được nhập khẩu đã lên đến hơn 2.000 tỷ đồng, trên 90% là máy kéo công suất trên 22 HP”, TS Bích cho biết.

Các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp khác của Việt Nam chủ yếu là xưởng cơ khí địa phương nhỏ lẻ, kỹ thuật thiết kế và công nghệ chế tạo bị hạn chế, các chi tiết máy chưa được tiêu chuẩn hóa và có chất lượng thấp. Hệ quả là làm tăng chi phí bảo trì, sửa chữa và làm giảm khả năng cạnh tranh.

Số liệu và bức tranh chế tạo máy cho thấy rằng chúng ta đang thua và bỏ ngỏ thị trường này ngay trên sân nhà.

Theo TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp có nhiều nội dung cần phát triển đồng bộ: cơ giới hóa sản xuất lúa, cơ giới hóa sản xuất rau màu, cây trồng cạn (mía, bắp, khoai lang…); cơ giới hóa vườn cây ăn quả; cơ giới hóa nuôi trồng thuỷ sản; cơ giới hóa chăn nuôi gia súc gia cầm…

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa hàng hóa trong giai đoạn hội nhập, việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất để tăng năng suất, đáp ứng tính thời vụ, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm tối đa tổn thất sau thu hoạch… là nhu cầu bức thiết.

Do đó, Nhà nước cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện một số chính sách thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa; đẩy mạnh quy hoạch xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, nhằm phát huy tối đa vai trò liên kết “4 nhà”, đặc biệt là vai trò chủ động của các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu đầu tư bảo quản, chế biến, tồn trữ.

Đây chính là giải pháp thiết thực góp phần ổn định sản xuất, khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá” trong sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua Nhà nước đã có chính sách về hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay mua máy nông nghiệp nhưng đối tượng tiếp cận chưa nhiều.

Như vậy, để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các đơn vị sản xuất cơ khí địa phương, khuyến khích công tác nghiên cứu và đào tạo, huấn luyện cán bộ kỹ thuật cũng như công nhân ngành cơ khí nông nghiệp, dạy sử dụng và lái máy nông nghiệp cho nông dân.

Cùng với đó là chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho cơ khí nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp.

Cơ giới hóa nông nghiệp với yêu cầu ngày càng cao hơn để đáp ứng nền “nông nghiệp chính xác”. Ảnh HX
Cơ giới hóa nông nghiệp với yêu cầu ngày càng cao hơn để đáp ứng nền “nông nghiệp chính xác”. Ảnh HX

Thị trường tiềm năng

Theo Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh, trong giai đoạn từ năm 2011 – 2021 số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần; máy bơm nước tăng 60%; máy gặt đập liên hợp tăng 80%; máy sấy nông sản tăng 30%; máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%; máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần điều đó cho thấy thị trường cơ khí phục vụ nông nghiệp tại Việt Nam đang rất hấp dẫn.

“Mỗi năm Việt Nam sản xuất hơn 40 triệu tấn thóc, hàng triệu tấn thủy sản, trái cây và các loại rau quả khác nên nhu cầu máy móc phục vụ cho nông nghiệp từ khâu gieo trồng, thu hoạch đến bảo quản, sơ chế, chế biến là rất lớn, đây sẽ là dự địa cho cho ngành này phát triển mạnh trong thời gian tới”, ông Thịnh nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Huy Bích, Ủy viên Ban thường vụ Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam, những năm gần đây, ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp tại Việt Nam đã được quan tâm hơn, với đa dạng các chủng loại sản phẩm gồm: động cơ đốt trong đến 30 mã lực, máy làm đất (máy cày 4 và 2 bánh), máy thu hoạch (gặt đập liên hợp, gặt lúa xếp dãy, máy tuốt lúa), máy bơm nước, máy phun thuốc sâu, máy bảo quản và chế biến (xay xát lúa gạo, máy sấy).

Tuy nhiên, các sản phẩm cơ khí nông nghiệp của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc chế tạo máy kéo phục vụ cho sản xuất lúa, còn đối với máy móc cho sản xuất các cây trồng khác hầu như vẫn còn để trống.

Ngay cả trong khâu sản xuất lúa, việc áp dụng cơ giới hóa cũng chỉ tập trung chủ yếu ở một số khâu như: làm đất, bơm tưới, tuốt đập, vận chuyển và xay xát. Còn các khâu như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch có mức độ cơ giới hóa rất thấp, phần lớn vẫn là lao động thủ công.

Theo đánh giá chung, máy trong nước sản xuất công nghệ lạc hậu nhưng giá thành lại cao. Chỉ riêng vùng nuôi tôm ĐBSCL, mỗi năm cần khoảng 70.000 máy nổ các loại có động cơ 6 – 10 mã lực trong khi năng lực sản xuất trong nước chỉ mới đạt khoảng 1/3 nhu cầu.

Người dân có xu hướng chuộng mua máy Trung Quốc hoặc máy đã qua sử dụng của Nhật Bản, Liên Xô (cũ), Hàn Quốc… Nguyên nhân là do giá máy trong nước sản xuất cao hơn máy nhập khẩu 15 – 30% nhưng hiệu quả sử dụng lại kém hơn.

Các loại máy sản xuất nông nghiệp trong nước chủng loại nghèo nàn, đặc biệt là máy gặt đập liên hợp hiện nay trên thị trường, chiếm đến 90% là máy nước ngoài, chỉ có khoảng 10% máy trong nước. Trong khi đây là loại máy móc chúng ta hoàn toàn có thể chế tạo được.

Bên cạnh đó, máy sấy nông sản cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và ở mức độ đơn giản, tức sấy khô, nếu để đảm bảo chất lượng cao cho xuất khẩu thì chưa đạt.

Theo TS Bích, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do thiếu vốn đầu tư, thiếu nhân lực kỹ thuật cao, thiếu đầu ra, chính sách đầu tư chưa rõ ràng…

“Vì vậy, có thể nói rằng, chưa bao giờ ngành cơ khí rơi vào tình trạng ốm yếu như hiện nay. Thu hút đầu tư vào cơ khí hiện đang thiếu sức hấp dẫn hơn hẳn so với nhiều lĩnh vực khác.

Thực tiễn đã chứng minh và có tính nguyên lý là không một quốc gia nào thành công về cơ giới hóa bằng việc phụ thuộc nhập khẩu máy nông nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu và tạo chính sách phát triển doanh nghiệp chế tạo máy nông nghiệp trong nước là giải pháp bền vững và tự chủ trong việc phát triển cơ giới hóa nông nghiệp.

Trong việc chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp, nếu các chính sách nhập khẩu và thuế không phù hợp sẽ đẩy giá thành máy của Việt Nam chế tạo đội lên rất cao, khó cạnh tranh. Ngoài ra cũng cần phát triển nhà máy và các vệ tinh phụ trợ tập trung gần tại những vùng nông nghiệp trọng điểm, tránh tập trung vào Hà Nội và TP. HCM”, TS Bích đề xuất.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ cách thức, tập quán sản xuất đến tư duy tiếp cận, mô hình tăng trưởng và phát triển.

Với chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp như: chính sách tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho người mua máy, thiết bị nông nghiệp; chính sách miễn thuế giá trị gia tăng đối với việc nhập khẩu máy, thiết bị chuyên dụng cho nông nghiệp…

Cùng với đó là các hoạt động về huấn luyện, đào tạo lao động sử dụng máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp, cải tạo hạ tầng đồng ruộng, cơ sở nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm…, cũng được chú trọng.

“Cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay với yêu cầu cao hơn, không chỉ là giải pháp riêng lẻ, mà cần được ứng dụng hiệu quả, đồng bộ cho hầu hết các công đoạn sản xuất để phát triển các chuỗi giá trị nông sản bền vững, có sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

Theo tiến trình phát triển công nghệ trong nông nghiệp, cơ giới hoá nông nghiệp không chỉ thiên về mục tiêu năng suất và sản lượng, mà hướng dần đến “nông nghiệp chính xác”, nâng cao chất lượng, giá trị cho nông sản”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.


Để thúc đẩy quá trình cơ giới hoá đồng bộ cho sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong khuôn khổ sự kiện AGRITECHNICA ASIA LIVE 2022 diễn ra tại Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 24 -26/8, các đại biểu đã thống nhất xây dựng một “Trung tâm cơ giới hoá” ở khu vực này nhằm khắc phục những vấn đề còn tồn trong đẩy mạnh đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN