(KTSG Online) – Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực trong giai đoạn chuyển tiếp kể từ ngày 1-10. Ban đầu, CBAM sẽ áp dụng đối với hoạt động nhập khẩu một số hàng hóa và tiền chất trong sáu lĩnh vực phát thải nhiều carbon trong quá trình sản xuất gồm xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và hydrogen.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, kéo dài 18 tháng, bắt đầu từ ngày 1-10, các nhà nhập khẩu của EU trong các lĩnh vực nói trên phải giám sát và báo cáo lượng carbon phát thải trong quá trình sản xuất các hàng hóa mà họ nhập khẩu.
Các nhà nhập khẩu được yêu cầu thu thập dữ liệu cho quí 4- 2023 và nộp báo cáo đầu tiên trước ngày 31-1-2024. Trong giai đoạn chuyển tiếp, họ chưa bị áp thuế carbon đối với những hàng hóa nhập khẩu này, nhưng sẽ phải đối mặt với mức từ 10- 50 euro cho mỗi tấn khí thải không báo cáo.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU mô tả đây là “giai đoạn học hỏi” dành cho tất cả các nhà nhập khẩu, nhà sản xuất và cơ quan chức năng.
Giai đoạn chuyển tiếp cho phép EC thu thập thông tin về lượng khí thải ở hàng hóa nhập khẩu để đưa ra phương pháp tính toán thuế carbon cho giai đoạn tiếp theo.
Bắt đầu từ năm 2026, các nhà nhập khẩu sẽ bị tính thuế carbon, tức phải phải mua các chứng chỉ phát thải carbon (hay còn gọi là chứng chỉ CBAM), tương ứng với lượng phát thải carbon ở hàng hóa mà họ nhập khẩu từ các nước có mức thuế phát thải thấp hơn hoặc không đánh thuế này.
CBAM được thiết kế để giúp các công ty ở EU, vốn phải tuân thủ luật khí hậu nghiêm ngặt, không đối mặt với sự cạnh tranh bất công từ các nhà sản xuất bên ngoài khối.
“Chính sách này có ý nghĩa chiến lược và tài chính đối với các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Hôm nay chỉ là sự khởi đầu của một quá trình dài. Ngay cả khi một số công ty không bị ảnh hưởng ngay lập tức, họ vẫn có thể bị nhắm vào ở giai đoạn sau, vì EU được phép đưa thêm nhiều ngành hơn vào CBAM”, Tim Pictures, chuyên gia cấp cao của hãng tư vấn Boston Consulting Group, bình luận.
CBAM đã vấp phải sự phản đối từ các đối tác thương mại lớn của EU, bao gồm Nga và Trung Quốc, những nước cho rằng cơ chế này làm suy yếu các nguyên tắc thương mại tự do. CBAM cũng làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa EU và Mỹ. Hồi đầu năm, chính quyền Tổng thống Joe Biden yêu cầu EU miễn trừ áp dụng CBAM cho các mặt hàng thép và nhôm xuất khẩu của Mỹ.
Một khi bắt đầu áp thuế carbon, CBAM sẽ là một thử nghiệm quan trọng để xem liệu việc định giá carbon có thể được thiết lập trên toàn thế giới như một phần trong nỗ lực hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu hay không. Trong giai đoạn thứ hai của CBAM, bắt đầu từ tháng 1-2026, các công ty EU nhập khẩu hàng hóa trong 6 lĩnh vực ô nhiễm trả phải trả thuế carbon tăng dần lên qua từng năm để phù hợp với giá trên thị trường carbon của EU. Hôm 29-9, giá hợp đồng phát thải tiêu chuẩn ở EU là khoảng 82 euro mỗi tấn carbon.
Ý tưởng định giá khí thải ở biên giới châu Âu đã được thảo luận trong suốt trong hai thập niên qua nhưng phải đến đầu năm nay, EU mới thông qua CBAM như một phần của thỏa thuận xanh đầy tham vọng. EU đặt mục tiêu ràng buộc là giảm ít nhất 55% lượng khí thải nhà kính trong thập niên này so với mức được ghi nhận vào năm 1990 và đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng carbon về mức zero vào giữa thế kỷ này.
Theo Tim Pictures, ngay cả giai đoạn chuyển tiếp của CBAM, các nhà sản xuất ở các nước xuất khẩu cũng phải chịu áp lực tập trung nhiều hơn vào lượng khí thải carbon của họ.
“Thứ nhất, các sản phẩm của họ sẽ kém cạnh tranh hơn nếu họ không giảm lượng khí thải. Và thứ hai, triển vọng trả thuế carbon ở EU sẽ đóng vai trò là động lực khuyến khích họ đầu tư vào quá trình khử carbon”, Tim Pictures giải thích
Pictures cho rằng điều đó cũng có thể có nghĩa là sẽ có sự thay đổi trong mô hình thương mại. Các sản phẩm phát thải nhiều carbon sẽ khó bán hơn trên thị trường EU nên chúng có thể được chuyển sang các nước thứ ba không áp thuế carbon.
Khoản thuế carbon có thể được miễn ít nhất một phần nếu thuế carbon đã được tính ở những nước nơi hàng hóa ô nhiễm được sản xuất. Điều này tạo thêm động lực cho các nước thứ ba đưa ra chính sách xanh của riêng họ. Cách tính toán thuế carbon như vậy cũng giúp CBAM này không bị coi là thuế quan bất hợp pháp theo các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
EU vẫn còn rất nhiều việc phải làm để CBAM vận hành trơn tru, từ đảm bảo giám sát tuân thủ ở các nước thành viên cho đến việc đưa ra các quy định kỹ thuật chi tiết hơn. Khối này cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức pháp lý tại WTO và tranh chấp với các đối tác thương mại.
Els Brouwers, Giám đốc các vấn đề năng lượng, khi hậu và kinh tế của Essenscia, nhóm vận động hành lang cho ngành hóa chất Bỉ, mô tả cơ chế này là “gánh nặng thủ tục hành chính lớn đối với các nhà nhập khẩu EU”.
Các nhà môi trường và kinh tế học, bao gồm cả nhà kinh tế đoạt giải Nobel, William Nordhaus, từ lâu ủng hộ việc định giá carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vì điều này cho phép các nước liên kết với nhau thành một dạng “câu lạc bộ carbon” để loại bỏ tình trạng một số đối tác thương mại được hưởng lợi từ nỗ lực kiểm soát carbon của họ. Đức đã đưa ra ý tưởng riêng về một liên minh như vậy với các thành viên của nhóm các nước công nghiệp G7.
Theo Antoine Vagneur-Jones, người đứng đầu chuỗi thương mại và cung ứng cùa Công ty tài chính năng lượng mới BloombergNEF, CBAM cũng có thể tạo động lực cho thị trường carbon non trẻ ở các nước khác, như thị trường khí thải của Trung Quốc, và khuyến khích các các nước khác xây dựng thị trường carbon của riêng họ.
“CBAM sẽ không sớm dẫn đến việc các nước khác định giá carbon gần với những gì EU đang làm. Nhưng ở những nước mà việc định giá carbon có thể chấp nhận được về mặt chính trị, điều này chắc chắn có thể đóng vai trò như một động lực,” Vagneur-Jones nhận định.
Nguồn: thesaigontimes.vn