Agri Net Zero Expo 2024

Thông báo sau

Thông báo sau

Nông nghiệp tuần hoàn – Xu thế tất yếu của nền “kinh tế xanh”

Chia sẻ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Là một nước nông nghiệp, trung bình mỗi năm chúng ta tạo ra hơn 30 triệu tấn rơm rạ, hơn 10 triệu tấn cám và trấu, hơn 100 triệu tấn chất thải chăn nuôi… Nếu biết khai thác hiệu quả thì đây là nguồn tài nguyên có thể đem lại nguồn kinh tế lớn cho người nông dân. Ngược lại, những phụ phẩm này nếu không được xử lý sẽ trở thành chất thải có hại, đặc biệt chất thải trong chăn nuôi đang trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương. Để tiến tới xây dựng nền “nông nghiệp sinh thái” như mục tiêu trong Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và trong Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng thì việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn là hướng đi tất yếu, trọng tâm cho sản xuất nông nghiệp hiện nay và tương lai.

NHẬN THỨC ĐỔI THAY, MÔ HÌNH LAN TỎA

Trang trại rộng 2ha của gia đình bà Phạm Thị Hảo, thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc như một khu sinh thái với hồ nuôi cá gần 1ha, vườn bưởi xanh mát, quả vàng bóng lúc lỉu như đèn lồng treo. Dãy chuồng lợn khép kín không hề có mùi hôi nên không ai nghĩ đây là khu trang trại chăn nuôi đến 100 con lợn thịt.

Trước đây, bà Hảo luôn lo lắng khi mùi hôi và chất thải của trang trại lợn chưa được xử lý triệt để. Nước rửa chuồng thải trực tiếp xuống ao cá khiến môi trường xung quanh ô nhiễm, ruồi muỗi rất nhiều, nước ao thiếu ôxy khiến cá mắc bệnh và chết… Đến khi được Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam và Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc (Tập đoàn Quế Lâm) tuyên truyền về mô hình nông nghiệp tuần hoàn, như “buồn ngủ gặp chiếu manh”, gia đình bà Hảo tiên phong đăng ký ngay.

Chỉ sau năm đầu tiên, việc sản xuất ở trang trại bà Hảo đã thay đổi rõ rệt. Đàn lợn được cho ăn cám hữu cơ, dùng đệm lót sinh học để xử lý bằng vi sinh hết chất thải giúp lợn khỏe mạnh và môi trường trở nên trong sạch hơn. Việc dùng đệm lót sinh học còn giúp gia đình bà có thêm nguồn phân bón hữu cơ để bón cho 150 gốc bưởi và vài sào lúa, khoai. Ao cá không phải hứng chịu chất thải từ chuồng lợn đã được thải độc, với đàn cá hơn 6.000 con, lớn nhanh như thổi. Những nông sản sạch, theo hướng hữu cơ của gia đình bà được Tập đoàn Quế Lâm thu mua hoặc bán ra với giá cao hơn hẳn.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Phạm Thị Vượng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam cho rằng, để triển khai sản xuất nông nghiệp tuần hoàn thành công, không chỉ có sự vào cuộc của các doanh nghiệp, mà cấp ủy, chính quyền các địa phương cần có chương trình, nghị quyết về nông nghiệp tuần hoàn để trên dưới đồng lòng thực hiện.

“Chính quyền các tỉnh, thành, như UBND tỉnh Vĩnh Phúc chẳng hạn, đã có một chiến lược phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, cho nên hiện nay hàng triệu con gà, hàng triệu con lợn đã dùng đệm lót sinh học; họ phát triển những cánh đồng rộng lớn về nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn và không sử dụng phân bón và thuốc BVTV hoá học. Có thể nói cần sự vào cuộc quyết liệt của các doanh nghiệp, chiến lược của các cơ quan từ tỉnh đến huyện, xã. Khi xây dựng làng văn hoá, nông thôn mới, chúng ta đưa các chỉ tiêu này vào thì lan toả rất nhanh”, bà Phạm Thị Vượng cho biết.

Vĩnh Phúc được “điểm danh” là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn. Sau khi thử nghiệm thí điểm thành công, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn nhằm đẩy mạnh phát triển mô hình này trên toàn tỉnh.

Từ kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở địa phương, ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc nhận định: “Trong thời gian tới, để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn được nhân rộng một cách nhanh nhất, tôi nghĩ cái đầu tiên chúng ta phải tuyên truyền, phổ biến để làm sao người dân có nhận thức về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn càng nhanh càng tốt. Thứ hai là cơ chế chính sách, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ để xây dựng các mô hình mang tính chất nhân rộng. Thứ ba tập trung khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tuần hoàn”.

CUỘC SỐNG ĐÒI HỎI, CHÍNH SÁCH KỊP THỜI

Nông dân sẵn sàng, doanh nghiệp vào cuộc thì cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các địa phương phải là người dẫn dắt, định hướng, xây dựng chính sách, hỗ trợ nguồn lực, tạo động lực để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn.

“Việc đầu tiên là các chính sách hỗ trợ. Cái gì dân chưa làm được, các doanh nghiệp chưa làm được thì phải có tác động của chính sách Nhà nước. Tới đây, Nhà nước cũng có những chính sách để xử lý môi trường, vừa là chính sách khuyến khích, nhưng đồng thời cũng phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, phải tạo áp lực cho doanh nghiệp, tạo áp lực cho người chăn nuôi”, TS Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam nêu ý kiến.

Nếu như sản xuất nông nghiệp thông thường đã rất cần sự gắn kết, thì sản xuất nông nghiệp tuần hoàn càng cần gắn kết chặt chẽ hơn trong chuỗi giá trị, từ sản xuất cho đến thị trường, và gắn kết giữa các chủ thể trong chuỗi là nhà nông – nhà nước – nhà khoa học và nhà doanh nghiệp.

Thị trường hiện nay đòi hỏi hàng hoá với tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và cả bảo vệ môi trường, giảm phát thải. Ví như từ tháng 10/2023, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thực hiện thí điểm “cơ chế điều chỉnh biên giới carbon”, tức là sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn sẽ tạo ra những sản phẩm sạch, giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với xu thế này. Thêm vào đó, Việt Nam đã cam kết với quốc tế hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chính vì vậy, ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ NN&PTNT cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp để giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp và định vị sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn: “Nếu chúng ta không ban hành chính sách kịp thời sẽ cản trở sản xuất phát triển. Khi có chính sách về nông nghiệp tuần hoàn thì có thể tạo ra sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn được công nhận. Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn có liên quan đến giảm khí phát thải nhà kính hoặc các bon thấp”.

CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ TUẦN HOÀN

  • Chỉ thị số 36/C-TW ngày 25-6-1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
  • Nghị quyết số 41-NĐ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị chỉ rõ “Khuyến khích tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế”.
  • Chiến lược bảo vệ môi trường đến 2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược Tăng trưởng xanh; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn năm 2018.
  • Quyết định 150/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/01/2022 Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu Việt Nam phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
  • Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, với mục tiêu tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Nông nghiệp tuần hoàn vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh, chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam trăn trở trước sự lãng quên về tiềm năng khai thác phụ phẩm của ngành nông nghiệp nhiều năm qua: “Nguyên liệu phụ phẩm của ngành nông nghiệp rất lớn, trên 150 triệu tấn/năm. Thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho đồng chí Bộ trưởng đề xuất với Chính phủ có một Nghị định riêng về việc sử dụng nguyên liệu phụ phẩm là tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn”.

NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN – XU THẾ TẤT YẾU CỦA MỌI THỜI ĐẠI

Là nước nông nghiệp, tiềm năng để phát triển nông nghiệp tuần hoàn của nước ta rất lớn. Mô hình nông nghiệp tuần hoàn được coi là “chìa khóa” để giải quyết yêu cầu về sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững, hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường.

“Nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công với mô hình nông nghiệp tuần hoàn, và như vậy, Việt Nam sẽ có cơ hội để học tập, tiếp thu các bài học kinh nghiệm. Chúng ta đã có các thị trường cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn. Nếu chúng ta tạo ra những sản phẩm đấy là chúng ta bán được”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hiền, Trưởng khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định.

Chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trở thành xu thế phát triển tất yếu, là cơ hội để Việt Nam từng bước xây dựng và phát triển nền kinh tế tăng trưởng xanh, mang lại lợi ích bền vững cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp nước ta; thể hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Nguồn: vov.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN